Hệ động thực vật Sri_Lanka

Bài chi tiết: Sinh thái Sri Lanka

Mô hình hệ sinh thái Sri Lanka phụ thuộc trực tiếp vào lượng mưa. Vùng núi và vùng phía tây nam đất nước, được gọi là "vùng ẩm," có lượng mưa trung bình hàng năm 2500 mm. Đa số phần phía đông nam, đông và bắc đất nước là "vùng khô", với lượng mưa trung bình hàng năm 1200 tới 1900 mm. Đa số lượng mưa tại các khu vực đó xảy ra từ tháng 10 tới tháng 1; trong khoảng thời gian còn lại của năm, lượng mưa rất thấp, và mọi loài động thực vật phải biết cách gìn giữ hơi ẩm quý giá. Vùng bờ biển tây bắc và đông nam khô cằn nhận lượng mưa thấp nhất — 600 tới 1200 mm hàng năm — tập trung chủ yếu trong giai đoạn gió mùa mùa đông ngắn ngủi. Thời kỳ ra hoa đa dạng của cây keo thích ứng tốt với điều kiện cằn cỗi nhờ vậy loại cây này phát triển tốt trên Bán đảo Jaffna. Trong số những loài cây của các khu rừng đất khô, một số loài như sơn tiêu, mun, thiết mộc, và dái ngựa có phát triển trên đảo. Ở vùng ẩm, hệ thực vật chủ yếu là các loài cây nhiệt đới xanh tốt quanh năm, những loại cây cao, cây lá rộng và các loại cây leo phong phú. Những khu rừng cận nhiệt đới xanh tốt tương tự với những khu rừng ôn đới tại các vùng cao hơn. Trước kia rừng cây từng bao phủ hầu như toàn bộ hòn đảo, nhưng tới cuối thế kỷ XX, những vùng đất được xếp hạng là rừng và khu bảo vệ rừng chỉ chiếm một phần năm diện tích. Vườn Quốc gia Ruhunu ở phía đông nam là nơi sinh sống của những bầy voi, hươu nai và công, Vườn Quốc gia Wilpattu là nơi bảo tồn và sinh sống của nhiều loài chim nước như cò, bồ nông, cò quăm và cò thìa. Trong Chương trình Mahaweli Ganga thời những năm 1970 1980 ở phía bắc Sri Lanka, chính phủ đã lập bốn vùng với tổng diện tích lên tới 1.900 km² để thành lập các Vườn Quốc gia. Hòn đảo này có ba khu dự trữ sinh quyền, Hurulu, Sinharaja, và Kanneliya-Dediyagala-Nakiyadeniya.